Cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh. Dưới đây là một số biểu hiện cao huyết áp bạn cần lưu ý.

1. Huyết áp là gì?

Để tìm hiểu về biểu hiện cao huyết áp, chúng ta cần hiểu về huyết áp và nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp.

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể, huyết áp phụ thuộc vào lực bơm máu của tim. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch.

Huyết áp giảm nhanh nhất khi máu lưu thông trong các động mạch nhỏ, các tiểu động mạch và tiếp tục giảm khi máu đi qua các mao mạch và huyết áp đạt mức nhỏ nhất trong hệ tĩnh mạch.

2. Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp

Phần lớn bệnh cao huyết áp ở người trưởng thành đều không rõ nguyên nhân (Cao huyết áp/ tăng huyết áp nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (Cao huyết áp/ tăng huyết áp thứ phát).

Các nguyên nhân thường gặp ở cao huyết áp bao gồm:

  • Bệnh thận cấp hoặc mạn tính: viêm cầu thận cấp/mạn, viêm thận kẽ, sỏi thận, thận đa nang, thận ứ nước, suy thận
  • Hẹp động mạch thận
  • U tuỷ thượng thận
  • Hội chứng Cushing
  • Bệnh lý tuyến giáp/cận giáp, tuyến yên
  • Do thuốc, liên quan đến thuốc (kháng viêm Non-steroid, thuốc tránh thai, corticoid, …)
  • Nhiễm độc thai nghén
  • Yếu tố tâm thần.

3. Biểu hiện cao huyết áp

Cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh, tuy nhiên cao huyết áp lại có rất ít dấu hiệu nhận biết. Cách để dễ nhận biết biểu hiện cao huyết áp nhất đó là bạn phải theo dõi huyết áp thường xuyên.

Khi huyết áp tăng, bạn sẽ có một số biểu hiện cao huyết áp như:

  • Nhức đầu
  • Chảy máu mũi
  • Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc
  • Tê hoặc ngứa ran các chi
  • Buồn nôn và nôn
  • Choáng và chóng mặt
  • Đau tim
  • Ngoài ra huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

4. Những biến chứng có thể xảy ra của cao huyết áp.

Bên cạnh những biểu hiện cao huyết áp, chúng ta cần để ý đến những biến chứng có thể sảy ra của bệnh này. Đối với người có huyết áp tăng cao, các biến chứng có thể sảy ra bao gồm:

  • Suy tim: Suy tim là một tình trạng mà trong đó tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Điều này làm cho trái tim to ra và trở nên yếu hơn;
  • Phình bóc tách động mạch. Đây là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong cơ thể của bạn. Khi bị phình bóc tách động mạch, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng chảy máu nội bộ và có thể đe dọa tính mạng;
  • Suy thận: Các mạch máu trong thận có thể trở nên hẹp lại và gây suy thận;
  • Nhồi máu cơ tim và đột quỵ: Động mạch bị hẹp ở một số nơi trong cơ thể, từ đó dẫn đến việc hạn chế lưu lượng máu (đặc biệt là cho tim, não, thận và chân). Điều này có thể gây ra một cơn đau tim, đột quỵ, suy thận, hoặc người bệnh phải phẫu thuật cắt bỏ một phần chân;
  • Bệnh mắt: Các mạch máu trong mắt vỡ hoặc chảy máu. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi về thị lực hoặc thậm chí là mù lòa.

5. Ai có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp?

Nguy cơ cao huyết áp nếu có nhiều yếu tố sau:

  • Tuổi: người lớn tuổi có nguy cơ cao huyết áp.
  • Giới tính: phụ nữ sau mãn kinh có nhiều khả năng sẽ mắc cao huyết áp hơn, và đàn ông dưới 45 tuổi có nhiều khả năng mắc cao huyết áp hơn so với phụ nữ.
  • Tiền sử gia đình: nếu các thành viên trong gia đình của bạn (cha mẹ hoặc anh chị) mắc bệnh cao huyết áp, bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh.

Đối với người lớn tuổi, những yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp bao gồm:

  • Thừa cân
  • Không tập thể dục thường xuyên
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Tiêu thụ quá nhiều muối
  • Uống rượu
  • Hút thuốc lá
  • Mắc chứng ngưng thở lúc ngủ
  • Căng thẳng.

Để có một trái tim khỏe mạnh, hãy cố gắng duy trì huyết áp bản thân ở mức bình thường không chênh lệch quá nhiều.

Bài trướcTriệu chứng cao huyết áp
Bài tiếp theoMỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶC BIỆT KHI DÙNG THUỐC VIÊN TRÁNH THAI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây