Suy tĩnh mạch chân hay suy giãn tĩnh mạch là bệnh lành tính do sự rối loạn lưu thông dòng máu tĩnh mạch về tim. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm thì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tắc mạch.
1. Suy giãn tĩnh mạch là gì?
Bệnh suy tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể. Tuy nhiên thường gặp nhất là ở các tĩnh mạch chân do hệ thống tĩnh mạch chân dài phải chịu áp lực lớn.
Bình thường, hệ thống tĩnh mạch ngoại biên sẽ bơm máu theo một chiều từ tĩnh mạch về tim nhờ hệ thống van tĩnh mạch. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, các van này bị tổn thương khiến cho máu đi theo chiều ngược lại và ứ đọng tại tĩnh mạch ngoại biên, gây ra bệnh giãn tĩnh mạch chân và thường thấy các tĩnh mạch nổi rõ trên da.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây suy tĩnh mạch
Nguyên nhân gây suy tĩnh mạch có thể do di truyền khiếm khuyết van tĩnh mạch bẩm sinh, do tăng áp lực tĩnh mạch do thói quen thường xuyên đứng lâu hay ngồi lâu, mang thai hay huyết khối tĩnh mạch sâu, viêm tĩnh mạch.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm: Nữ giới, sinh đẻ nhiều lần, thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, tuổi cao trên 50.
3. Các triệu chứng thường gặp
Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có cảm giác nóng rát, tê và nặng chân, đặc biệt là phần bắp chân. Một số người còn gặp tình trạng chuột rút chân, thường xảy ra vào buổi tối đi ngủ. Sau đó, người bệnh thường xuyên bị sưng đau chân, nhất là vùng mắt cá chân.
Nếu bạn không kịp thời phát hiện và điều trị bệnh thì tĩnh mạch bắt đầu giãn lớn, phình to, có thể sờ và nhìn thấy rất rõ. Một số bệnh nhân còn gặp tình trạng sưng tấy chân, thậm chí là nhiễm trùng, da phù nề.

4. Biến chứng của suy tĩnh mạch
Bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể gây các biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng như:
– Huyết khối tĩnh mạch sâu, nặng nhất là thuyên tắc phổi (tắc mạch máu ở phổi) gây tử vong cao
– Đau mạn tính và loét chân
– Phù mạch bạch huyết thứ phát
Bệnh suy giãn tĩnh mạch là bệnh lành tính, thường giai đoạn đầu triệu chứng nhẹ và gây mất thẩm mỹ. Nhưng nếu không điều trị, bệnh có thể gây các biến chứng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống