Sa sinh dục là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ làm việc nặng, sinh đẻ nhiều, đẻ không an toàn, thường gặp trong lứa tuổi 40-50 tuổi trở lên. Người chưa đẻ lần nào cũng có thể sa sinh dục nhưng ít gặp hơn và chỉ sa cổ tử cung đơn thuần. Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động.
Sa sinh dục (hình ảnh minh họa)
1. Nguyên nhân
– Đẻ nhiều, đẻ dày, đẻ không an toàn, không đúng kỹ thuật, rách tầng sinh môn, không khâu.
– Lao động quá nặng hay quá sớm sau đẻ làm áp lực ổ bụng tăng lên khi các tổ chức còn yếu, chưa trở lại bình thường.
– Rối loạn dinh dưỡng: thường gặp những người bị bệnh mãn tính, suy dinh dưỡng, lớn tuổi.
– Cơ địa: chửa nhiều lần.
2. Triệu chứng
Sa sinh dục là hiện tượng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ, thường kèm theo sa thành trước âm đạo và bàng quang hoặc thành sau âm đạo và trực tràng.
Đặc điểm của bệnh là tiến triển rất chậm có thể từ 5 đến 20 năm và sau mỗi lần đẻ, lao động nặng trường diễn, sức khoẻ yếu, mức độ sa sinh dục lại tiến triển thêm
Tuỳ thuộc từng người sa nhiều hay ít, sa lâu hay mới sa, sa đơn thuần hay phối hợp. Triệu chứng thường là khó chịu, nặng bụng dưới, tiểu rắt, són tiểu, tiểu không tự chủ, có khi đại tiện khó. Triệu chứng trên chỉ xuất hiện khi bệnh sa lâu, mức độ cao.
Khám thấy khối sa nằm ở ½ dưới âm đạo hoặc thập thò âm môn, trường hợp nặng nhất sẽ sa ra ngoài âm hộ, bao gồm thành trước âm đạo, cổ tử cung, thân tử cung, thành sau âm đạo. Phần khối sa ra ngoài có thể sừng hóa hoặc bị loét do cọ sát, bội nhiễm.
3. Điều trị và dự phòng
Có rất nhiều phương pháp điều trị sa sinh dục gồm nội khoa và ngoại khoa, mỗi mức độ tổn thương sẽ có phương pháp điều trị khác nhau, cần sự tư vấn của bác sĩ.
Sa sinh dục là bệnh hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và làm giảm đáng kể chất lượng sống, do vậy bạn nên dự phòng bằng cách:
– Không nên đẻ nhiều, đẻ sớm, đẻ dày. Nên đẻ ở nhà hộ sinh hoặc cơ sở y tế đủ điều kiện.
– Không để chuyển dạ kéo dài, không rặn đẻ quá lâu. Thực hiện các thủ thuật phải đảm bảo đủ kiều kiện, đúng chỉ định và đúng kỹ thuật.
– Các tổn thường đường sinh dục phải được phục hồi đúng kỹ thuật.
– Sau đẻ không nên lao động quá sớm và quá nặng.
– Tránh tình trạng táo bón.
– Cần phát hiện và điều trị sớm các bệnh mãn tính gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên (táo bón trường diễn, ho kéo dài…) là nguyên nhân dẫn đến sa sinh dục.
Sa sinh dục không lấy đi tính mạng của bạn nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, hãy dự phòng trước khi nó xảy ra đối với bạn.