Khi đi du lịch, di chuyển đến địa phương khác sẽ có nhiều thay đổi ẩn chứa nguy cơ cho sức khỏe của bạn, nhất là khi bạn là người có bệnh mạn tính. Sự thay đổi đột ngột phải kể đến thời tiết, môi trường sống, sinh hoạt giờ giấc cũng thay đổi… là những yếu tố khiến nhiều người mệt mỏi, đau nhức người, đau đầu, mất ngủ và nếu là người mắc bệnh mạn tính rất có thể khiến bệnh bùng phát hoặc tiến triển.
Bệnh trở nặng nếu chủ quan
Với những người mắc bệnh mạn tính việc phải dùng thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ nhằm kiểm soát và hạn chế diễn biến tăng nặng của bệnh là điều cần nhớ. Bởi vậy, dù đi chơi, người bệnh chớ quên mang theo thuốc, uống thuốc và theo dõi tình trạng bệnh, sức khỏe tổng thể trong suốt kỳ nghỉ dù ngắn hay dài.
Vậy, người bệnh mạn tính nào cần đặc biệt lưu ý?
– Nhóm bệnh tim mạch: gồm tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành… cần phải điều trị thường xuyên và liên tục để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ thậm chí tử vong… Chính vì vậy, trước kỳ nghỉ khi đi du lịch, người bệnh cần đến khám bác sĩ để đảm bảo sức khỏe đã ổn định.
Khi đi xa, nên mang theo một bản tóm tắt bệnh án của mình và các thuốc đang sử dụng (tên thuốc, liều lượng) và cũng cần mang đủ cơ số thuốc để uống trong quá trình đi xa, tốt nhất là nên mang dư ra một chút, phòng trường hợp sẽ quay về chậm hơn dự kiến.
Cần lưu ý, thuốc nên để trong hộp có dán nhãn. Điều này sẽ giúp ích cho các bác sĩ nếu không may xảy ra cấp cứu. Nên để thuốc trong hành lý xách tay, luôn mang bên mình để lỡ có thất lạc vẫn có thuốc uống.
Cần nhớ trong kỳ nghỉ người có bệnh cần hạn chế tham gia các hoạt động đòi hỏi phải gắng sức nhiều. Khi có các triệu chứng tức ngực, khó thở, mệt, thỉu, vã mồ hôi,… khi gắng sức hoặc phát hiện cơ thể có thay đổi bất thường cần liên lạc với bác sĩ đang điều trị hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn cụ thể, và được hướng dẫn chăm sóc và điều trị kịp thời.
– Bệnh đái tháo đường: Là bệnh lý hay gặp hiện nay và có xu hướng trẻ hóa, diễn biến thầm lặng và chịu ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, luyện tập và cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Do vậy, nếu người bệnh đái tháo đường đang tiêm insulin tốt nhất là mang theo bút tiêm hoặc lọ loại 100 UI/ml để tránh nhầm lẫn liều lượng.
Kỳ nghỉ dài nên phải chuẩn bị và mang gấp đôi số thuốc cần dùng trong những ngày du lịch. Luôn mang theo đồ ăn phòng khi hạ đường huyết. Mang theo một ít bánh quy, phô mai, hộp nước trái cây, 1 vài viên kẹo cứng hoặc đường để điều trị cơn hạ đường huyết.
Nếu chủ quan bệnh đái tháo đường có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, khi đó việc điều trị khó khăn và tốn kém.
– Bệnh phổi tắc nghẽn (COPD): Khi đã mắc bệnh người bệnh phải chung sống và điều trị suốt đời. Vì vậy, các yếu tố cần xem xét khi chọn nơi đến vô cùng quan trọng với người bệnh.
Phần lớn bệnh nhân COPD hợp với khí hậu ấm, nhưng không quá nóng. Khi lên cao hoặc đến những vùng cao, nồng độ ôxy không khí thường thấp hơn khi ở vùng biển nên có thể sẽ làm tăng tình trạng khó thở. Vùng núi cao sẽ gây khó khăn cho bạn nhiều hơn. Nên tránh nơi đông người.
Tuy nhiên, với căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bệnh hoàn toàn có thể sắp xếp để tận hưởng những chuyến du lịch để làm giàu cho đời sống tinh thần.